Tiến sĩ Julie Franklin, Giáo sư Louise Dye đến từ Anh và bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Hoa, nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM đã dành hơn 2 giờ chiều ngày 18/4 để tư vấn giải pháp dinh dưỡng cho từng mốc phát triển của trẻ. - Chào bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, bác sĩ cho tôi hỏi bé gái nhà tôi hiện tại 21 tháng, nặng 13kg, cao 87cm. Bé hiện tại đã có 16 răng, chủ yếu ăn cháo, mỳ, bún, phở, bánh mỳ, chưa ăn được cơm và thức ăn rắn. Xin bác sỹ tư vấn giúp làm thế nào cho bé tập ăn cơm được trong giai đoạn tới? Sữa bổ sung như nào thì hợp lý vì bé nhà tôi uống khá ít sữa? (chỉ uống 150ml/lần, ngày 2-3 lần, thường sau bữa ăn chính 2 tiếng, buổi tối hay cho ăn sữa chua hơn là uống sữa). Bé ngủ cũng khá điều độ, tối từ 21h đến 6h hôm sau, trưa ngủ từ 12h đến 15h. Chế dộ sinh hoạt như vậy đã hợp lý chưa ạ (Loan Trần, 25 tuổi, Hà Nội) - Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Hoa, nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM: Chào Loan! Tình trạng dinh dưỡng của bé của bạn rất tốt kể
cả cân nặng và chiều cao. Từ đó suy ra bạn đã nuôi bé với một chế độ ăn đầy đủ và tốt. Tuổi này bé chưa ăn được thức ăn cứng là bình thường vì thực sự bé cũng chưa mọc đủ răng hàm. Tuy nhiên để chuẩn bị cho bé bước sang giai đoạn mới, ngoài bữa ăn chính là thức ăn mềm, bạn có thể cho bé những thực phẩm cứng để bé tập nhai như bánh và trái cây hoặc vài muỗng cơm sau khi ăn cháo. Số lượng sữa trung bình ở tuổi này là 300-500ml một ngày, thời lượng ngủ của bé 12h-14h. Như vậy bé đã ngủ đủ giấc. Chúc mừng bạn. Bé của bạn rất khỏe mạnh và sinh hoạt điều độ. Toàn cảnh tư vấn trực tuyến chiều 18/4 - Con tôi gần 3 tuổi nhưng nói chậm hơn những trẻ khác, thỉnh thoảng chỉ nói 1-2 từ và ngại giao tiếp với người lạ. Tôi đi làm cả ngày, cô giúp việc giữ cháu, tôi chỉ có buổi tối và cuối tuần để ở gần con. Xin chuyên gia hướng dẫn giúp cách nào để bé nói & giao tiếp tốt hơn (Doan Phuong Lan, 29 tuổi, Nam Dinh) - Tiến sĩ Julie Franklin - chuyên gia tư vấn tâm lý học lâm sàng ở khoa Sức khỏe Tâm thần Trẻ em và Vị thành niên thuộc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Leeds:: Việc nói nhanh hay chậm tùy tốc độ phát triển của từng trẻ và sẽ có độ chênh lệch nhất định, có trẻ nói sớm, có trẻ nói muộn. Có khi gần 3 tuổi mới nói một vài từ là bình thường. Các mẹ không nên quá quan tâm tới chuyện bé chậm nói. Việc đầu tiên mẹ cần làm là dành nhiều thời gian cho bé. Khi cảm thấy an toàn, gần gũi, bé sẽ nói một cách dễ dàng hơn, mẹ nên dành thời gian đưa bé tiếp xúc với bên ngoài, bé sẽ nhanh nói hơn. - Con gái em được 16 tháng. Bé hiện tại nặng 8,5 kg. Cháu bú sữa mẹ hoàn toàn trong 5 tháng đầu, từ đó đến giờ cháu có uống thêm sữa ngoài. Hiện tại bây giờ ngày cháu ăn được 3 bát nhỏ cháo, uống 2-3 lần sữa (mỗi lần chỉ được 60-70ml). Lúc bé cháu ngủ rất ít, bây giờ thì khá hơn 1 ngày ngủ khoảng 10h. Cháu mọc răng rất muộn (13 tháng mới bắt đầu mọc). Cháu vẫn chưa biết đi, chỉ bám rồi lần đi thôi. Xin bác sĩ tư vấn giúp về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé, và việc mọc răng hay biết đi trễ có ảnh hưởng gì đến phát triển sau này của bé không? (Dieu Anh, 32 tuổi, Ha Noi) - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Diệu Anh thân mến! Rất tiếc bé của bạn đã bị suy dưỡng nhẹ và có dấu hiệu của còi xương. vậy bạn nên đưa bé tới phòng khám chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa dinh dưỡng gần nhất để khám và điều trị cho bé, Tuy nhiên, tôi sẽ hướng dẫn cho bạn chết độ ăn theo nhu cầu lức tuổi này như sau: Một ngày bé cần ăn 4-5 cữ. Số lượng mỗi cữ một nửa tới một chén bột hoặc cháo, với điều kiện một chén phải có 20 gr chất đạm, 20 gr rau xanh và 10 ml dầu ăn. Lượng sữa bé cần 300-500ml nếu không có sữa mẹ. Ngoài ra, bé cần được bổ sung vitamin và yếu tố vi lượng với liều lượng bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ khám trực tiếp cho bé. Chúc bé của bạn nhanh hết suy dinh dưỡng và đi vững hơn. - Tôi có thắc mắc thường ít khi nào các bé được ăn đủ chất nên thỉnh thoảng chúng ta nên cho bé bổ sung vitamin từ các thực phẩm chức năng, nhất là những lúc trở mùa, thay đổi thời tiết, có dịch bệnh hay khi bé mới hết bệnh không? (Nguyen Thanh Truc, 32 tuổi, 50 Nguyen Trong Tri, An Lac A, Binh Tan) - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Điều bạn thắc mắc là đúng sự thật vì đôi khi chúng ta ăn đủ chất nhưng khả năng hấp thụ của mỗi người có khác nhau, đồng thời có sự tác động qua lại giữa các chất dinh dưỡng trong thực phẩm, làm giảm hoặc tăng khả năng hấp thu của vi chất, đó chính là nguyên nhân làm cho chúng ta ăn đầy đủ mà đôi khi vẫn bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Khi thiếu vi chất dinh dưỡng thì sức đề kháng kém, nên sẽ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng. Đó là lý do chúng ta cần thỉnh thoảng bổ sung nếu có triệu chứng thiếu vi chất dinh dưỡng. - Em mong được tư vấn cách chăm sóc đủ dinh dưỡng cho bé từ 1 tuổi? (Nguyen thuy hang, 37 tuổi) - Giáo sư Louise Dye - chuyên gia đặc quyền về Sức khoẻ tâm lý và là thành viên của Hiệp hội tâm lý Anh: Đây là một câu hỏi cần trả lời dài nhưng chúng tôi cố gắng sẽ trả lời ngắn gọn với những nội dung chính. Trước tiên chúng tôi sẽ nói về những điểm mốc phát triển trong từng lĩnh vực: tâm lý, thể chất, ngôn ngữ, xã hội. Ví dụ: Trẻ em có thể nói một vài từ từ 8 đến 14 tháng, 12 tháng phát triển kỹ năng về bàn tay, cầm nắm và vẽ nguệch ngoạc, 18 tháng có thể xếp được tháp ba khối và cầm bằng 2 ngón tay ... Cha mẹ cần giao tiếp, trao đổi thường xuyên với trẻ để kích thích và tạo ra các kết nối thần kinh trong não. Để có những điểm mốc phát triển đó, đứa trẻ cần có sự phát triển đầy đủ về dinh dưỡng, vận động... Về mặt dinh dưỡng: Cần cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng, để tránh tình trạng thiếu chất.Những chất dinh dưỡng chủ yếu bao gồm: Can xi, kẽm và sắt từ thịt, cá và rau quả, vitamin, và đặc biệt là các vitamin B. Kẽm và sắt quan trọng cho chức năng nhận thức. I ốt cũng quan trọng, nhưng hiện nay đã được giảm bớt do biết sử dụng muối i ốt, cá và hải sản.Các vitamin B: B1, B3, B6, B7, B12, và vitamin C cần thiết cho phát triển các chức năng sinh lý.Axit Folic cần thiết cho phụ nữ trước khi mang thai để phòng ngừa hở khe thần kinh ở thai nhi. Ngoài ra cần lưu ý các chất dinh dưỡng này thông qua chế độ cân bằng và đa dạng. Cần
lưu ý tránh cung cấp thừa chất dinh dưỡng và duy trì cân nặng hợp lý. Khi đứa trẻ đi học, việc ăn sáng rất cần thiết để đứa trẻ có thể học tốt. - Tiến sĩ Julie Franklin: Chế độ ăn cho bé cần cân bằng, đa dạng. Các mẹ nên cung cấp đủ và đa dạng chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho con nhưng không nên cho con nạp quá nhiều chất dinh dưỡng. Quan trọng hơn là cần duy trì cân nặng phù hợp với độ tuổi của trẻ. - Con trai tôi được 33 tháng, cao 99, nặng 14kg. Cháu không thích uống sữa công thức, nên khoảng 24 tháng trở lên đa số uống sữa tươi. Móng tay, móng chân của cháu thường hay bị bong tróc, sứt móng (sau đó mọc lại). Vậy cho tôi tham tu chuyen nghiep hỏi, việc cháu uống sữa tươi thay sữa công thức có làm cháu thiếu hụt vitamin dẫn tới tình trạng như trên hay không? Nếu có hãy cho tôi một lời khuyên. Xin cám ơn! (Vo Ngoc Kim Xuan, 30 tuổi, A122, CC Le Thanh, P An lac, Binh Tan) - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Chào Kim Xuân! Bé của bạn đang ở cột mốc "khám phá", với cân nặng và chiều cao như vậy thì tình trạng dinh dưỡng chung (năng lượng và protein) của bé rất tốt. Ở tuổi này bé có thể uống sữa tươi được, tuy nhiên các triệu chứng mà bạn nói có thể biểu hiện một sự thiếu vi chất nào đó (vitamin C, kẽm, sắt...). Hoặc bị nhiễm trùng móng. Bạn nên cho bé đi khám bác sĩ chuyên khoa về dinh dưỡng và da liễu để các bác sĩ khám trực tiếp và sẽ cho thám tử tư bạn câu trả lời chính xác. Cảm ơn câu hỏi của bạn! - Con trai tôi gần 6 tuổi, hiện cháu cao 110 cm và nặng 18kg. Cháu nhỏ con hơn so với bạn cùng tuổi và rụt rè khi đi vào chỗ đông người, ở nhà cháu chỉ muốn bà và mẹ cùng ăn cơm và cùng ngủ, bé chỉ chơi với em và 1-2 bạn hàng xóm, bé dễ tủi thân và hay khóc nhè. Hết hè cháu sẽ vào lớp 1, tôi đang lo lắng không biết cháu nhỏ con có bị bạn ăn hiếp hay không? Làm cách nào để bé có thể cao và nặng hơn trong một năm tới? Và làm cách nào để tôi chuẩn bị về tâm lý cho con trước khi con đi học? (Nguyen Thi Hang, 32 tuổi, Hai Phong) - Tiến sĩ Julie Franklin: Mẹ cần tạo sự tự tin cho bé bằng cách chuẩn bị cho bé kỹ năng giao tiếp nhất định, cho con đi ra ngoài nhiều hơn, giao tiếp với các bạn đồng trang lứa nhiều hơn... Mẹ có thể khen ngợi những điểm mạnh của bé, khen ngợi bé khi bé làm được những việc tốt. Điều này sẽ giúp bé dạn dĩ và hòa nhập tốt hơn ở môi trường mới. Tiến sĩ Julie Franklin - Con tôi hiện 6 tháng tuổi, nặng 9,2 kg. Hiện bé vẫn chưa biết lật dù khi bé đứng thì cổ chân đã cứng. Tôi lo lắng không biết tình trạng này của cháu thế nào? Mong bác sĩ tư vấn. (Ngọc Hà, 32 tuổi, Ha Noi) - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Bé của bạn vừa hoàn thành cột mốc "mau lớn" (0-6 tháng) với cân nặng như vậy là đạt chuẩn và bé mới bắt đầu ở giai đoạn đạt cột mốc "tập đi" (6-12 tháng), nên bé chưa có thể đi được. Tuy nhiên, nếu bé chưa lật được thì bé cũng có vấn để về thần kinh cơ, bởi bình thường 4-6 tháng tuổi bé đã phải lật được và giữ vững cơ cổ. Có thể về cân nặng bé đủ, nhưng bé thiếu vitamin D và canxi. Bạn cần cho bé đi khám để bác sĩ cho chỉ định thuốc ở liều thích hợp. - Dinh dưỡng giúp phát triển trí não từ 2 -3 tuổi và 3 - 4 tuổi. (Tran My Chi, 37 tuổi) - Giáo sư Louise Dye: Dinh dưỡng rất quan trọng cho sự phát triển trí não và nhận thức ở trẻ em. Ở trẻ sơ sinh, DHA, Omega 3, Omega 6 rất quan trọng cho sự phát triển về thị giác, thị lực và trí tuệ của đứa trẻ. Ở các lứa tuổi lớn hơn, dinh dưỡng là cần thiết, cần có sự có mặt của các chất sắt, kẽm, các vitamin B. Yếu tố môi
trường cũng rất quan trọng. Đứa trẻ cũng cần được khuyến khích thử nghiệm, trao đổi. Ở trẻ 2 tuổi, việc ngậm, mút các đồ vật bằng miệng cũng có vai trò giúp trẻ khám phá môi trường và phát triển trí não. Phải chấp nhận cho trẻ khám phá theo cách này, nhưng cần lưu ý tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng dinh dưỡng tốt và bổ sung các probiotics. Trẻ từ 3 đến 4 tuổi về cơ bản cũng cần những chất dinh dưỡng như trên, nhưng tuổi này cần lưu ý đến sự đa dạng thực phẩm và cho trẻ thử nghiệm các thực phẩm mới. Không tỏ vẻ giận dữ khó chịu khi trẻ không chịu ăn thức ăn mới. Mà hãy bình tĩnh, kiên nhẫn lặp lại việc cho trẻ ăn thử thức ăn mới ít nhất trong 6 lần. - Con gái em 17 tháng cao 83cm nặng 12kg hiện tại bé rất biếng ăn. Xin chuyên gia tư vấn giúp làm sao để bé thoát khỏi tình trạng biếng ăn hiện nay? (thái thị thùy dung, 28 tuổi, chơn thành, bình phước) - Tiến sĩ Julie Franklin: Trẻ cần chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng mới đủ chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh. Cha mẹ nên cố gắng cho trẻ thử nhiều loại thức ăn đa dạng, đừng làm cho trẻ quá sợ sệt mỗi khi con không ăn. Hãy làm cho bé cảm nhận không khí bữa ăn vui vẻ. Cha mẹ muốn duy trì cân nặng của con nên thường
cố ép, ngại cho con thử những món mới. Cha mẹ nên cho con thử nhiều món ăn mới, đa dạng, có thể sẽ cải thiện tình trạng biếng ăn của con. - Tôi theo dõi trên mạng thì thấy có phát biểu của TS. Lê Nguyễn Bảo Khanh – Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, 1.000 ngày đầu tiên tính từ lúc bắt đầu thai kỳ đến khi trẻ tròn 2 tuổi là "cửa sổ" quan trọng đảm bảo trẻ có một tương lai tươi sáng sau này. Dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian vàng này sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới khả năng phát triển thể chất và học tập của trẻ, và tối ưu các tiềm năng sẵn có của bé trong từng cột mốc phát triển. Xin giải thích rõ hơn về giai đoạn 1000 ngày này. Cụ thể, tôi phải chăm con như thế nào là đúng trong giai đoạn này. Con trai đầu của tôi hiện đã 3 tuổi, hiện nay cháu nặng 14kg và cao 89cm, thấp hơn so với chuẩn thông thường. Nhưng cháu đã qua giai đoạn 2 tuổi – là giai đoạn phát triển chiều cao nhanh nhất, vậy tôi phải làm gì để cháu đuổi kịp các bạn. (Trần Phương Linh, 28 tuổi, Bac Giang) - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Linh thân mến! 1.000 ngày đầu đời tức là từ khi mang thai đến 2 tuổi. Đây là giai đoạn cơ thể của bé phát triển nhanh nhất và hoàn thiện những chức năng thần kinh vận động, cảm giác... còn đang thiếu sót, nên cung cấp các chất dinnh dưỡng đầy đủ là rất quan trọng vì nếu thiếu sẽ gây ra hậu quả lâu dài cho bé. Ví dụ ảnh hưởng tới tầm vóc, trí thông minh, thậm chí đôi khi là dị tật nếu thiếu các chất dinh dưỡng khi đang mang thai. Con của bạn 3 tuổi, nặng 14 kg và cao 89 cm, về cân nặng thì đủ, nhưng về chiều cao ở giới hạn thấp và có nguy cơ suy dinh dưỡng còi cọc trong giai đoạn trước. Để cải thiện chiều cao của bé, bạn cần cho bé bổ sung vitamin D, canxi, kẽm. Bạn cần cho bé ngủ sớm, đủ giấc thì bé sẽ tăng tiết hooc môn tăng trưởng, năng vận động ngoài trời, không nên để cho bé bị béo phì... - Thưa bác sĩ, con trai tôi 3 tuổi ăn uống, cân nặng bình thường,. Tuy nhiên đêm nào cũng phải dậy uống 3 bình sữa tương đương 900ml mặc dù ban ngày cháu ăn uống bình thường và sữa cũng đã uống đủ. Cháu uống đêm có nhiều sữa quá không vì tôi thấy bảo đêm dạ dày nên nghỉ ngơi thì trẻ em mới phát triển tốt được. (Hải Đăng, 45 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) - Giáo sư Louise Dye: Đứa trẻ mà đêm phải thức dậy uống ba bình sữa là nhiều, có thể ban ngày do trẻ ăn uống chưa đủ, hoặc đứa trẻ thức dậy vì muốn được sự quan tâm của bố mẹ. Anh chị thử khi đứa trẻ thức dậy, chỉ chăm tham tu tu sóc âu yếm bé mà không cho uống sữa để trẻ quen dần. Nếu cân nặng của trẻ bình thường thì tăng lượng sữa vào buổi chiều tối trước khi ngủ. Nếu trẻ đứa trẻ không khắc phục được tình trạng này thì phải đưa trẻ đi khám vì có thể trẻ bị mắc bệnh tăng động giảm chú ý. Giáo sư Louise Dye - Con gái tôi năm nay 6 tuổi, nặng 18 kg, cháu uống sữa rất tốt nhưng lười ăn, đã đi khám dinh dưỡng bác sỹ cho uống vitamin D và viên tổng hợp tuy nhiên tình trạng lười ăn vẫn không tiến triển, vậy tôi phải làm sao để cháu thích ăn? (Vũ Bảo Uyên, 36 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) - Tiến sĩ Julie Franklin: Mẹ nên giảm lượng sữa hàng ngày của con, vì khi uống nhiều sữa trẻ sẽ hạn chế ăn các món khác. Khi giảm khẩu phần sữa, trẻ có thể giảm cân nhưng cha mẹ không nên quá lo lắng mà phải kiên trì để giúp trẻ thử các món ăn đa dạng, có thể cho ăn những món trộn với sữa, vì sữa là món con thích. Mẹ cố gắng cho trẻ ăn nhiều thức ăn mới lạ, có biện pháp khen thưởng khích lệ khi con ăn tốt. Mẹ cũng có thể thay đổi môi trường ăn uống để mang lại cảm giác hứng thú cho con, ví dụ như ăn ngoài chẳng hạn. - Em bé nhà em hiện 8 tháng tuổi, bác sĩ cho em hỏi: - Em bé cần bổ sung đạm vào thời điểm nào? - Em bé có thể ăn bơ, các loại thịt cá theo thực đơn hàng tuần như thế nào? - Nước hoa quả có nên bổ sung không và nên bổ sung những loại hoa quả nào vào giai đoạn này? (Phạm Minh Tuấn, 29 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) - Giáo sư Louise Dye: Nên cho trẻ ăn bơ, các loại thịt cá theo thực đơn để phát triển khẩu vị của trẻ và cung cấp dinh dưỡng. Nếu trẻ ăn đủ các loại thực phẩm này thì không cần bổ sung đạm. Nên cho trẻ uống nước hoa quả để cung cấp các vitamin. Cần lưu ý không dùng nước trái cây có đường, nước trái cây đóng hộp, đóng lon. - Thưa giáo sư Louise Dye, con trai tôi 2 tuổi, thời gian gần đây tự nhiên cháu rất bám mẹ, tôi không thể làm được việc gì vì lúc nào cháu cũng đòi bế ẵm và quấn quýt mẹ không muốn rời. Nếu tôi không đáp ứng, cháu sẽ khóc, có nhiều lần nhẹ nhàng không được tôi đã phát vào mông cháu, cháu lại càng khóc to hơn khiến tôi căng thẳng. Vậy tôi nên làm gì? Liệu có phải đây là giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 như các bác sĩ vẫn nói không? (Tran Thi Tuyet, 25 tuổi, Ha Long, Quang Ninh) - Giáo sư Louise Dyee: Đây là một triệu chứng bình thường của đứa trẻ ở lứa tuổi này. Đôi khi xảy ra khi mẹ mang thai em bé mới, nên trẻ lo lắng vì ghen tị với em. Đôi khi đứa trẻ tỏ ra bám chặt mẹ là biểu hiện của một mốc phát triển nào đó. Điều quan trọng là phải bình tĩnh để đứa trẻ không kéo dài triệu chứng này và có thể gây ra kết quả xấu. Chị nên bình tĩnh chấp nhận trẻ, không đánh trẻ và khen ngợi một cách nhẹ nhàng khi đứa trẻ thể hiện sự độc lập. Thông thường giai đoạn bám mẹ kiểu này không kéo dài quá 3 tháng. - Bé nhà em đã được 3 tuổi 3 tháng, cháu ăn uống kém và lười ăn, nhất là thịt cháu không thể nào nuốt. Em cũng tìm nhiều cách mà không khắc phục. Cá, tôm, trứng cháu nhai nuốt hết, chỉ trừ thịt ra. Em có băm đi nữa thì cũng nhè ra. Chuyên gia hướng dẫn cho em cách dỗ bé ăn với ạ. (Nguyễn Thị Hằng, 28 tuổi, Công ty Sơn Toa Việt Nam, KCN tân Đông Hiệp A, Dĩ An, Bình Dương) - Tiến sĩ Julie Franklin: Khi trẻ không ăn thịt, mẹ cần chú ý đến lượng sắt cung cấp cho con. Chất này cũng có trong rau quả, các loại thực phẩm khác nhau nên những loại thực phẩm này có thể hỗ trợ phần nào chất dinh dưỡng mà con đã không thể có được do không ăn thịt. Nếu mẹ vẫn muốn cho con ăn thịt có thể thử nhiều loại thịt khác nhau như bò, gà, nhiều cách chế biến khác nhau: nướng, chiên, xào, hoặc cho con thử từng miếng nhỏ, nên kiên trì tập cho con ăn và không nên quá nóng vội cố ép con phải ăn ngay. Tiến sĩ Julie Franklin - Trong chương trình tư vấn tôi thấy có vị đại diện của nhãn hàng Cô gái Hà Lan. Vậy cho hỏi dòng sản phẩm này mới có gì khác biệt so với các sản phẩm sữa bột khác trên thị trường? (Hoàng Thông, 32 tuổi, TP HCM)- Ông Vũ Hoàn - đại diện Công ty FrieslandCampina Việt Nam: Chào Thông! Về vấn đề này, đầu tiên tôi muốn chia sẻ với bạn về cột mốc phát triển ở trẻ em. Cột mốc phát triển ở trẻ em là những hoạt động hoặc kỹ năng thể hiện sự phát triển của một đứa trẻ trong một vài lĩnh vực. Các cột mốc phát triển được thiết lập dựa trên những gì mà hầu hết trẻ đều làm được ở độ tuổi nhất định. Đó là lần đầu tiên trẻ cười, khi trẻ bước những bước chập chững đầu tiên hoặc khi trẻ bi bô những lời đầu tiên. Cột mốc phát triển hiện ở các lĩnh vực như thểchất, tâm thần và vận động chẳng hạn bước đi, chia sẻ với người khác, thể hiện cảm xúc, nhận ra âm thanh quen thuộc, nói... Vì thế điểm khác biệt giữa Dutch Lady mới khác biệt với các sản phẩm khác trên thị trường là sản phẩm được thiết kế không chỉ dựa vào lứa tuổi, mà còn để trẻ đạt được những cột mốc phát triển về cân nặng, chiều cao, vận động ngôn ngữ và giao tiếp ở lứa tuổi đó. Ngoài ra, công thức của sản phẩm này còn dựa trên nghiên cứu Seanuts thực hiện tại Việt Nam, nên rất phù hợp với trẻ em Việt Nam. - Bé nhà em 9 tháng mà không ăn váng sữa, sữa chua, phô mai vì bé không thích ăn, liệu có bị thiếu chất không? Em bé 9 tháng ăn cơm thì có thể hấp thụ không? (thanh thu, 29 tuổi) - Giáo sư Louise Dye: Nếu trẻ không chịu ăn váng sữa, sữa chua hay phô mai thì mẹ vẫn nên thỉnh thoảng tiếp tục cho trẻ thử ăn để phát triển khẩu vị. Để tránh thiếu chất dinh dưỡng, nếu trẻ không ăn sữa thì cho trẻ ăn thịt, gan heo, gan bò và các loại đậu như đậu nành vì có nhiều đạm, can xi và sắt. Trẻ 9 tháng thì có thể ăn cơm và bắt đầu bằng cơm nhão, cơm nát. - Chào bác sĩ, cháu trai nhà em được 16,5 tháng, nặng 13,3kg, dài 89cm. Gần cả tháng nay cháu ăn uống rất hay bị nôn ói. Trung bình mỗi ngày cháu ói từ 1 đến 2 lấn. Trong bữa ăn thì cứ liên tục nhợn nhợn, ọi ọi ở cổ họng (nhợn nhiều thì ói ra). Đậy có phải là biểu hiện biếng ăn không ạ? Làm sao để khắc phục tình trạng này? Tuổi này có thể tập cho bé ăn cơm nhão được chưa và bao nhiêu tháng thì ăn cơm như người lớn ạ? (Mai Mai, 27 tuổi, TPHCM) - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Mai thân mến! Cân nặng và chiều cao của bé phát triển tốt. Điều đó chứng tỏ bé không có bệnh gì trước đó và bạn đã chăm sóc bé đầy đủ. Tuy nhiên, triệu chứng hay ói gần đây có thể là do bé bị bệnh viêm mũi họng hay số lượng ăn nhiều hơn khả năng hấp thu của bé. Bạn cần cho bé đi khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị chính xác, tuy nhiên trước mắt bạn hãy chỉ cho bé ăn những thức ăn mà bé thích và khi bé bắt đầu muốn ói thì tạm ngưng, không nên ép. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa (áo trắng bên phải). - Cho em xin hỏi bác sĩ, con em nay 28 tháng cháu rất biếng ăn, nhưng em ép bổ sung vitamin hằng ngày bé 14kg, nhưng bé ngủ về đêm đổ mồ hôi rất nhiều, mỗi lần như vậy là con lại ốm, em có đọc báo nghe bác sĩ tư vấn bổ sung caxi cho bé, nhưng vẫn bị như vậy. Bác sĩ cho em hỏi con em thiếu chất gì không ? Phải làm sao cho bé hết ra mồ hôi khi ngủ? (Nguyễn Thị Vị, 28 tuổi, 20/4B tổ 11, ấp thới tây 1, xã tân hiệp, huyện Hóc môn, Tp.hcm) - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Cân nặng của bé đạt tiêu chuẩn. Việc ra mồ hôi ban đêm có thể là do nhiệt độ phòng nóng (thường các bà mẹ hay sợ con bị bệnh nên không bật quạt và máy
lạnh) hoặc bé thiếu canxi do thiếu vitamin D (không hấp thụ canxi trong thức ăn). Vì vậy bạn cần kiểm tra nhiệt độ phòng của bé trước khi bổ sung vitamin D và canxi cho bé. Ngoài ra cũng cần chú ý các vi chất dinh dưỡng khác, vì đây là cột mốc của sự khám phá, nên bé cần đủ các chất dinh dưỡng để phát triển các giác quan và trí thông minh. - Con em được 4,5 tháng, nặng 6,2 kg, bé rất ít bú. Trung bình khoảng 500ml/ngày (sữa mẹ + sữa công thức). Mỗi lần bú phải ép. Khi đó bé lại khóc hay bị ọc sữa nữa. Vậy cho em hỏi làm thế nào để bé có thể bú được nhiều hơn. Khi bị ép bú như vậy có ảnh hưởng đến tâm lý bé sau này không? (my van, 25 tuổi) - Tiến sĩ Julie Franklin: Mẹ nên cho trẻ khám hệ tiêu hóa, xem có vấn đề gì không mà hay ọc sữa. Mẹ không nên ép khi cho trẻ bú, bé sẽ cảm nhận được mình đang bị ép, dễ bị ọc hơn. Mẹ nên tạo mối quan hệ mẹ con thân mật hơn, cần có trò chơi với trẻ để tạo tình cảm, nên thoải mái khi cho con bú, tạo môi trường thuận lợi, thư giãn để bé thích thú với việc bú sữa. Khi cho bú, mẹ nên nhẹ nhàng vuốt ve, âu yếm bé. Nếu mẹ cứ liên tục ép con thì khi stress, sữa của mẹ cũng sẽ bị ảnh hưởng phần nào và điều này không tốt cho sự phát triển của trẻ. - Con trai tôi được 6 tháng. Chân cháu ngắn so với người, nặng 9,5kg, dài 66cm. Nếu cháu có gene thấp giống mẹ, dinh dưỡng có thể giúp cải thiện chiều cao của cháu không? Tôi nên cho cháu ăn như thế nào? Cám ơn bác sĩ. (Huong Lien, 34 tuổi) - Giáo sư Louise Dye: Dinh dưỡng có thể giúp cho trẻ phát triển được chiều cao ở mức độ tối ưu bằng cách cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, đa dạng, đặc biệt là các chất đạm, sắt, can xi, kẽm và các vitamin, khoáng chất khác. Tuy nhiên có những trẻ vì lý do di truyền nên dù dinh dưỡng tối ưu thì trẻ vẫn không cao bằng những trẻ khác. Điều quan trọng là xây dựng và giúp trẻ phát triển trí tuệ (với dinh dưỡng tối ưu) và sự tự tin để trẻ có thể thành công khi trưởng thành. - Tôi đang mang thai con đầu lòng và thắc mắc là những dưỡng chất nào bầu cần để thai nhi phát triển tốt? Chỉ uống sữa dành cho bà bầu không liệu đã đủ chất? (Hoang Anh, 28 tuổi, Thai Binh) - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Chào Hoàng Anh! Ở giai đoạn bào thai, bé cần đầy đủ các chất dinh dưỡng để hình thành và phát triển các cơ quan chức năng của con người, nên bạn cần ăn no (đủ năng lượng) và ăn ngon (đa dạng các chất dinh dưỡng). Cụ thể, ngoài chế độ ăn thông thường, bạn cần ăn mỗi bữa thêm một chén cơm với thức ăn hoặc một ngày ăn thêm một bữa. Các chất dinh dưỡng đặc biệt cần trong giai đoạn này để tránh dị tật và suy dinh dưỡng bào thai và giúp cho bé thông minh là chất đạm (hỗ trợ cho thai nhi phát triển toàn diện), DHA (đáp ứng nhu cầu cao, giúp cho não bộ thai nhi phát triển hoàn thiện), axit folic (giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh), sắt (tránh thiếu máu), canxi và vitamin D (hỗ trợ ngăn ngừa chứng cao huyết áp thai kỳ và đáp ứng nhu cầu canxi cao của mẹ và bé, giúp phát triển tốt hệ xương). Vì vậy, nếu chỉ uống sữa thì sẽ không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Nhưng nếu ăn đủ 4 nhóm thức ăn và kèm theo 2 ly sữa dành cho bà bầu thì rất tốt. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - Cứ mỗi bữa ăn con nhà em (5 tuổi) lại quấy khóc hoặc đòi đi chơi. Xin tư vấn giúp em trường hợp này. (lien nguyen, 37 tuổi) - Tiến sĩ Julie Franklin: Trước tiên mẹ cần kiểm tra xem con có bệnh gì không. Việc quấy khóc, đòi đi chơi diễn ra với mọi người hay chì có mẹ, và điều này diễn ra trong môi trường nào (khi con đi học, hay ở nhà). Mẹ nên cho con ăn ít và phân bổ ra nhiều lần, hơn là ăn quá nhiều trong một lần sẽ khiến trẻ ngán ngẩm với bữa ăn. Mẹ có thể cùng con chơi trò chơi trong bữa ăn để con vui, hứng thú với bữa ăn hơn. Mẹ không nên nói dối "con chỉ ăn thêm muỗng nữa thôi", vì trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra và bé không ăn tiếp nữa. "Chiêu" này cũng không còn hữu dụng cho mẹ trong các bữa ăn kế tiếp. - Bác sĩ cho tôi hỏi phải làm sao nhận biết được bé 3 tuổi bị thiếu chất gì để cho ăn uống bổ sung kịp thời được ạ? (Hoàng Thị Thùy Linh, 32 tuổi, 258 Cù Chính Lan, P Hòa Khê, Q Thanh Khê, TP Đà Nẵng) - Giáo sư Louise Dye: Một số chất dinh dưỡng khi bị thiếu sẽ có dấu hiệu để nhận biết. Ví dụ, thiếu can xi sẽ làm xuất hiện đốm trắng ở móng tay, thiếu sắt sẽ khiến thiếu máu và mệt mỏi, thiếu vitamin D sẽ gây còi xương. Tuy nhiên, nhiều chất dinh dưỡng nếu thiếu thì không có dấu hiệu điển hình. Ngoài ra, khi có biểu hiện các dấu hiệu thiếu chất dinh dưỡng thì đã bị trễ và trẻ đã bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, điều quan trọng là phải phòng ngừa việc thiếu chất dinh dưỡng bằng cách cho ăn đa dạng, cân đối, đủ các thành phần dinh dưỡng. Một số người tránh ra nắng hoặc dùng kem chống nắng thì nên dùng thực phẩm có bổ sung vitamin D. - Con cháu hiện được 2 tháng 20 ngày, bé trai khi tròn 2 tháng cháu nặng 6 kg, cao 62 cm. Hiện nay, cháu nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Cháu dự định khi bé tròn đủ 4 tháng (120 ngày) cháu sẽ cho bé ăn dặm, tuy nhiên hiện nay có nhiều phương pháp ăn dặm kiểu Pháp, Nhật, cổ truyền Việt Nam... cháu rất phân vân ko biết nên áp dụng phương pháp nào? Bác sĩ có thể hướng dẫn cho cháu và các bà mẹ có con trong độ tuổi ăn dặm về nguyên lý cơ bản để xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bé tập ăn dặm được không ạ? (Phạm Thị Tuyết, 29 tuổi, Thanh Xuan, Ha Noi) - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Bé nhà em đang ở cột mốc "mau lớn" và bé đã đạt được cột mốc đó. Chúc mừng em! Em hãy cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nếu có điều kiện (em không phải xa bé hơn 4 tiếng một ngày) vì sữa của em rất tốt, biểu hiệu bằng bé tăng trưởng đã đạt được cột mốc mau lớn. Khi em tập cho bé ăn dặm, dù bé ăn kiểu nào Pháp, Nhật hay Việt Nam thì cũng đảm bảo trong thực phẩm ăn dặm đủ 4 nhóm thức ăn (bột đường, đạm, chất béo, rau và trái cây). - Thưa bác sĩ, con em hiện được 61 tháng, cân nặng 17kg, cao 103. Cháu rất hay ngậm cơm và không chịu ăn thêm gì cả. Cháu rất hay đau bụng, hay ói. Mong bác sĩ tư vấn làm sao để bữa ăn không còn quá nặng nề với con. (Minh thu, TPHCM) - Tiến sĩ Julie Franklin: Mẹ cũng cần kiểm tra tình hình sức khỏe của con, nhất là hệ tiêu hóa có khỏe mạnh không. Nếu bình thường, mẹ cần kiểm tra xem loại thức ăn nào khiến con bị ói, liệu thực phẩm đó có hợp với thể trạng của con. Nên cho con ăn ít để con không còn ngậm. Mẹ nên tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn. Khi con ăn tốt nên khen ngợi (mỉm cười, khen con hôm nay ăn tốt, có phần thưởng gì đó cho con...) - Kính gửi các chuyên gia. Tôi tên là Ngà tham tu tu tai ha noi ở Bắc Ninh, tôi hiện có 2 cháu bé trai lớn năm nay lên 6, con gái nhỏ mới được 14 tháng. Cháu lớn thì rất bình thương, mạnh khoẻ, nhưng bé gái thì rất còi và hay ốm. Cháu đẻ mổ( do đẻ anh cháu rau quấn cổ nên phải mổ) được 2,9kg. Hiện cháu được có 7,9kg, cháu rất hay sổ mũi, có lần viêm phế quản nên bây giờ cứ thay đổi thời tiết là ốm. Tôi mong các chuyên gia tư vấn cho tôi chế độ dinh dưỡng làm sao để bé tăng sức đề kháng (cháu ko được bú sữa mẹ từ 2 tháng do tôi mất sữa). Rất cám ơn các chuyên gia. (Dương thị Quỳnh Ngà, 30 tuổi) - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Ngà thân mến! Bé của bạn 14 tháng, cân nặng nên có 8,3-9,4 kg, nên bé của bạn đã bị suy dinh dưỡng (cân nặng dưới - 1sd). Vì vậy, sức đề kháng của bé kém, rất dễ bị các bệnh nhiễm trùng khi thời tiết thay đổi. Bạn nên cho bé đi khám để bổ sung thêm vitamin và yếu tố vi lượng. Chế độ ăn lúc này bạn cần cho bé ăn là một ngày 4-5 cữ cháo hoặc bột (mỗi một chén cháo hoặc bột có một muỗng canh chất đạm như thịt, cá, trứng, tôm, cua, tàu hủ...; một muỗng canh rau xanh bầm nhuyễn, một muỗng canh dầu ăn). 300-500 ml sữa phù hợp với lứa tuổi của bé (1-2 tuổi). - Cháu chào giáo sư Louise Dye. Con cháu hiện nay được 4,5 tuổi, bé ăn uống bình thường. Nhưng qua theo dõi, cháu thấy bé diễn đạt ngôn ngữ kém và khả năng tập trung kém, xin Giáo sư giúp cháu như vậy có phải bé ăn uống chưa đủ chất hay còn nguyên nhân gì khác không ạ, cháu xin cảm ơn Chương trình và cảm ơn Giáo sư. (BÙI THỊ NGA, 33 tuổi, 1118 Nơ 3- Pháp Vân- Hoàng Mai-Hà Nội) - Giáo sư Louise Dye: Nhiều trẻ phát triển bình thường nhưng các bà mẹ vẫn lo âu quá mức nên đánh giá chưa chính xác sự phát triển của con. Con của chị có thể phát triển bình thường. Nếu trẻ bị chậm phát triển, có thể do một số rối loạn hiếm khiến đứa trẻ bị ảnh hưởng về phát triển trí tuệ. Vì vậy tốt nhất chị nên đưa bé đến khám bác sĩ nhi khoa để đánh giá chính xác khả năng của bé và phát hiện kịp thời các rối loạn này (nếu có). Trong lúc chờ đi khám hoặc khám mà chưa phát hiện bệnh lý, chị nên lưu ý vẫn cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Đừng yêu cầu quá cao ở trẻ khiến trẻ mất bình tĩnh dẫn đến diễn đạt kém hoặc là kém tập trung. Nên thường xuyên trao đổi giao tiếp với trẻ, bày tỏ sự thương yêu để trẻ phát triển tốt nhất về mặt trí tuệ. Giáo sư Louise Dye - Con em 6 tuổi, mỗi lần muốn con ăn hết chén cơm thì con ra điều kiện mẹ phải mua đồ chơi cho con... Chuyên gia tư vấn giúp trường hợp của em. (Pham Thu Thủy, 39 tuổi) - Tiến sĩ Julie Franklin:: Mẹ không nên dùng cách này thường xuyên vì bé sẽ quen, khi mẹ cắt đột ngột phần thưởng, con sẽ không ăn nữa. Chỉ trong trường hợp bé ăn tốt mẹ mới nên thưởng. Nếu trẻ vẫn kiên quyết, có thể cho con nhịn như yêu cầu vài lần, khi đó bé có thể sẽ có cảm nhận khác về thức ăn. Mẹ nên khen ngợi con trước bữa ăn để hướng sự chú ý của con sang việc khác hơn là đòi quà rồi mới chịu ăn. Mẹ có thể đưa ra phần thưởng nhưng không cần phải là vật chất, đó có thể là những buổi đi chơi dã ngoại cuối tuần, nên giải thích cho con tác dụng của việc ăn đầy đủ dưỡng chất như: con sẽ cao lớn, học giỏi, thông minh, sẽ trở thành người có ích cho xã hội... - Theo tôi được biết, ưu điểm của dòng sản phẩm sữa bột Cô gái Hà Lan mới có công thức đặc biệt là NutriPlan. Vậy tôi muốn biết thêm về NutriPlan là gì và đóng vai trò như thế nào trong các sản phẩm trên? (Trần Ngọc Chinh, 32 tuổi) - Ông Vũ Hoàn - đại diện Công ty FrieslandCampina Việt Nam: Chào bạn! Các chuyên gia dinh dưỡng ở Dutch Lady đã thiết kế ra hệ lập trình dinh dưỡng Nutriplan cung cấp dinh dưỡng cho từng cột mốc phát triển của trẻ. Đây là hệ thống bao gồm các dưỡng chất được lựa chọn đặc biệt phù hợp với từng cột mốc phát triển của trẻ, được kết hợp với nhau ở một tỷ lệ phù hợp, nhằm tạo ra công thức dinh dưỡng tối ưu cho từng cột mốc và phù hợp với tình trạng dinh dưỡng riêng của trẻ em Việt Nam mà kết quả Seanuts đã chỉ ra. Dòng sản phẩm Dutch Lady mới với hệ lập trình dinh dưỡng NutriPlan bao gồm Dutch Lady Mama (cho giai đoạn mang thai), Dutch Lady Tò Mò (cho trẻ 1-2 tuổi), Dutch Lady Khám Phá (trẻ 2-4 tuổi) và Dutch Lady Sáng Tạo (4-6 tuổi). - Con gái tôi 10 tuổi. Cháu nặng 24 kg và cao1,35m. Tôi phải làm sao để cháu phát triển bình thường? (tran thi hao tam, 43 tuổi, 122 thi sach kontum) - Giáo sư Louise Dye: Ở Anh quốc, thông thường đứa trẻ sẽ phát dục lúc 11 tuổi và cân nặng khoảng 47kg. Theo tiêu chuẩn của Anh thì con bạn bị nhẹ cân. Tuy nhiên, để đánh giá về cân nặng và chiều cao của trẻ thì còn phụ thuộc vào yếu tố dân tộc và đặc tính của người mẹ. Nếu chị cũng nhẹ cân và dậy thì muộn thì chị cũng không nên lo ngại quá. Để phát triển tốt nhất cho con bạn thì cần cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng dinh dưỡng. Đặc biệt, nên bổ sung nhiều chất dinh dưỡng trong giai đoạn trước và trong khi dậy thì, với chất béo, đạm, can xi, sắt, vitamin D... bởi vì trẻ có nhu cầu về dinh dưỡng cao để phát triển trong giai đoạn này. - Bé hơn một tuổi, cho ăn dặm bột, cháo, nhưng bé ngậm không chịu nuốt, trong khi cô giữ trẻ cho ăn thì bé chịu nuốt. Có phải bé không thích được mẹ cho ăn? (vo thanh long, 38 tuổi) - Tiến sĩ Julie Franklin: Mẹ có thể tạo trò chơi nhỏ trong bữa ăn để con cảm thấy việc ăn uống vui hơn. Mẹ có thể làm biểu đồ hình thang, hình tháp và gắn hình của các loại thức ăn lên trên đó. Dưới chân tháp là những món trẻ không thích ăn, lên cao dần là những món trẻ thích ăn. Sau đó mẹ và trẻ thỏa thuận nhau con ăn những món này, món kia trong từng bữa, để trẻ chọn những món trẻ muốn ăn. Mẹ sẽ động viên trẻ thử những món không thích, mỗi ngày một món, trẻ sẽ thích thú dần với những món ăn vốn không thích trước đây. Mẹ cần tạo mối quan hệ tốt hơn với con ngoài chuyện ăn uống, ví dụ: cùng chơi với con, cùng đi công viên... Khi mẹ đã đặt ra mục tiêu cho con hôm nay ăn gì thì không nên thay đổi, giữ bữa ăn ngắn, 20-30 phút và không ép trẻ ăn thêm. Tiến sĩ Julie Franklin Vấn đề này có thể do cô giữ trẻ dành nhiều thời gian cho trẻ. Khi cô giữ trẻ cho ăn, mẹ cũng nên có mặt và tham gia vào bữa ăn để bé quen dần với sự có mặt của mẹ, cần để con làm quen với việc mẹ đút ăn. Mẹ cũng nên dành thời gian chơi với con nhiều hơn. - Con tôi được 4 tháng tuổi, cháu được 5,8kg. Cháu bú sữa mẹ hoàn toàn. Được hơn 1 tháng cháu đã phải dùng kháng sinh nên từ lúc đó cháu bị đi ngoài. Tôi đã cho cháu dùng men Enterogermina nhưng bụng cháu không ổn định. Hiện tại đi ngoài 3-4 lần, ko thành bãi, có nước, có bọt, hơi nhầy. Cháu bú vẫn bình thường nhưng tăng cân rất chậm, hầu như 1 tháng gần đây không tăng. Xin cho hỏi các chuyên gia làm thế nào để cháu tăng cân tót hơn? Khẩu phần ăn của mẹ bổ sung những thực phảm nào? Tôi cho cháu dùng thêm vitamin tổng hợp có được không ạ? (Nguyễn Thanh Ngân, 27 tuổi) - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Ngân mến! Bé của bạn có những vấn đề sau: - Về cân nặng bé phát triển hơi chậm, bình thường cân nặng cần có là 5,7-6,4 kg (-1sd đến trung bình). Do đó vấn đề bú sữa mẹ của bé cần được điều chỉnh lại. Mỗi một lần bạn cho bé bú, phải bú hết một bên bầu vú. Nếu bé còn đói mới chuyển sang bầu vú bên kia. Nếu một lần bú không hết một bên bầu vú, bạn nên vắt bỏ sữa đầu ra ly cho bé bú sữa cuối là loại sữa đục có nhiều chất béo để bé tăng cân. Không nên cho bé uống
nước, trừ khi bé ăn dặm và bú bình. - Việc bé đi cầu phân có bọt có thể bị rối loạn tiêu hóa do bé uống kháng sinh. Việc này sẽ hết khi uống kháng sinh và bổ sung vi khuẩn có lợi. Cũng có thể do sữa của bạn quá nhiều mà bé chỉ bú được sữa đầu là sữa có nhiều đường Lactose, làm cho phân bé chua và có bọt. Điều này sẽ hết nếu bạn vắt bỏ sữa đầu và cho bé bú sữa cuối. - Ở lứa tuổi này bé sẽ có nguy cơ thiếu vitamin D và canxi nên bạn nên đưa bé tới các phòng khám nhi khoa để được các bác sĩ thăm khám và chỉ định đúng liều. - Để tăng sữa mẹ, bạn cần cho bé bú đúng cách, bú nhiều lần và ăn thêm mỗi bữa một chén cơm hoặc mỗi ngày thêm một bữa với đa dạng loại thực phẩm. - Thưa bác sĩ. Con trai tôi 11 tuổi đang học lớp 5 nhưng tôi có cảm giác cháu đã bắt đầu dậy thì nhưng chưa rõ nét lắm như tốc độ tăng chiều cao nhanh hơn năm trước, bộ phận sinh dục phát triển hơn. Bé trai mà phát triển vào tuổi này có phải là dậy thì sớm không? Dinh dưỡng cho các cháu vào tuổi này như thế nào để các cháu phát triển toàn diện. Có nên giảm bớt chế độ dinh dưỡng để cháu không dậy thì sớm không? Cám ơn bác sĩ. (Lê Hà Nam, 45 tuổi, Thanh Hóa) - Giáo sư Louise Dye: Trẻ trai dậy thì lúc 11 tuổi là hơi sớm nhưng nằm trong giới hạn bình thường. Trẻ dậy thì sớm có thể do nhiều nguyên nhân như di truyền, môi trường, dinh dưỡng... Vì vậy, bạn không nên lo ngại và đừng làm cho đứa trẻ cảm thấy mắc cỡ hay e ngại về chuyện này. Khi trẻ đã dậy thì, hạn chế dinh dưỡng không giúp cho trẻ trì hoãn dậy thì mà còn ảnh hưởng xấu lên sự phát triển về chiều cao của trẻ lúc trưởng thành. Chị nên cho trẻ tiếp tục chế độ dinh dưỡng tốt, cân bằng, đa dạng, đầy đủ, đặc biệt trong lúc dậy thì là lúc có nhu cầu dinh dưỡng cao. - Cho tôi hỏi bác sĩ, con tôi hơn 2 tuổi, bé phải có những biểu hiện như thế nào để biết là phát triển trí tuệ tốt. (nguyen van trong) - Giáo sư Louise Dye: Đứa trẻ 2 tuổi mà phát triển trí tuệ tốt sẽ biết quan tâm đến môi trường bên ngoài, có thể tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể. Bé có thể nói một câu từ hai đến 4 từ, quan tâm đến đứa trẻ khác, người xung quanh, biết đá một bóng, biết dùng ngón tay để chỉ vật, có thể vẽ nguệch ngoạc, cầm đồ vật bằng hai ngón tay, biết chơi trò chơi giả bộ. - Tôi mới lập gia đình và đang mang thai. Mọi chuyện con đang rất bỡ ngỡ. Xin bác sĩ tư vấn những chất dinh dưỡng cần thiết cho tôi lúc mang thai cũng như khi con ra đời? (Thùy Minh, 32 tuổi) - Tiến sĩ Julie Franklin: Mẹ phải kiên quyết để thay đổi thói quen của con, không đáp ứng mọi yêu cầu của con dù con khóc đi nữa. Cha mẹ phải đảm bảo thực hiện thường xuyên. Người bố cũng cần hỗ trợ con. Khi con ăn mà không cần đồ chơi cần khen ngợi trẻ. Việc tiếp cận nhiều đồ công nghệ không tốt cho trẻ. Cần tạo thời gian để trẻ giao tiếp với thế giới bên ngòai nhiều hơn là Ipad, tivi, điện thoại di động... - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Chào Thùy Minh! Trong giai đoạn mang thai, bạn cần ăn uống đầy đủ để con bạn tăng trưởng tốt và thông minh (bạn có thể tham khảo những câu trả lời trước). Khi con bạn ra đời có những chất dinh dưỡng và cách chăm sóc bé như sau: - 0-6 tháng tuổi là giai đoạn mau lớn, bạn cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn để bé tăng trọng gấp đôi lúc sinh khi 6 tháng. - 6-12 tháng là giai đoạn tập đi, bạn cần cho bé bú mẹ và ăn dặm 1-3 chén bột đủ 4 nhóm thức ăn và bú sữa mẹ theo nhu cầu, nếu bạn đi làm, cần bổ sung thêm 600-800ml sữa. - 12-24 tháng là giai đoạn bé bắt đầu biết đi và tò mò với thế giới xung quanh. Chế độ ăn hàng ngày là 3-5 chén cháo hoặc bột đủ 4 nhóm thức ăn với sữa mẹ hoặc sữa bình 400-600ml. - 24-36 tháng là giai đoạn bé chạy nhảy nhiều và khám phá những điều mới lạ. Bé sẽ ăn 3 bữa chính (cơm, phở, mì...) và 3 bữa phụ giàu chất dinh dưỡng như sữa hoặc yaourt. Lượng sữa 300-500 ml sữa. - 36 tháng trở lên là giai đoạn bé năng động và có nhiều sáng tạo. Trong sinh hoạt hàng ngày, bé cũng cần ăn 3 bữa chính và 3 bữa phụ như trên, nhưng với số lượng lớn hơn và số lượng sữa ít nhất là 300ml hoặc các chế phẩm của sữa. Nói chung bé cần ăn đủ năng lượng để không suy dinh dưỡng hoặc béo phì và đủ các chất dinh dưỡng để đủ đạm, DHA, sắt, kẽm, vitamin D, canxi... để cung cấp đủ các nguyên liệu để bé có cơ sở tăng trưởng phát triển trí não, giúp bé phát huy tối đa tiềm năng về thể chất và trí thông minh của bé. Cảm ơn bạn. Chúc bạn vui - khỏe và bé của bạn sẽ đạt điểm tối đa
về thể chất và trí tuệ! VnExpress
No comments:
Post a Comment